Lịch sử hoạt động M48_Patton

Chiến tranh Việt Nam

Vào ngày 9/3/1965, chiếc xe tăng M48A3 đầu tiên của Thuỷ quân lục chiến Mĩ, Tiểu đoàn tăng số 3 cập cảng Đà Nẵng. Đây là đơn vị xe tăng đầu tiên của Mĩ tại Việt Nam và được bổ sung bởi Tiểu đoàn tăng số 1 Thuỷ quân lục chiến sau đó 1 năm. Đơn vị tăng đầu tiên của Lục quân Mĩ là Tiểu đoàn 1, Trung đoàn kị binh số 4 vào năm 1965, phục vụ với Sư đoàn 1. Ban đầu, quân đội Mĩ không có mấy cảm hứng để bố trí xe tăng đến Việt Nam do cảm thấy chúng không phù hợp với địa hình và kiểu chiến tranh không quy ước. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 cho thấy xe tăng rất hữu dụng trong việc hỗ trợ các hoạt động của bộ binh cơ giới và chỉ đạo các vai trò khác. Và sau đó, có 3 tiểu đoàn tăng được bố trí đến Việt Nam: Tiều đoàn 2, Trung đoàn thiết giáp 34; Tiểu đoàn 1, Trung đoàn thiết giáp 69 và Tiểu đoàn 1, Trung đoàn thiết giáp 77, tất cả đều dùng M48A3. Cùng với đó là nhiều xe tăng khác hoạt động trong các tiểu đoàn kị binh bọc giáp. Ban đầu, các tiểu đoàn kị binh bọc giáp thuộc cấp trung đoàn chứa 1 đại đội tăng bao gồm 3 trung đội(mỗi trung đội 5 xe tăng) và 2 xe tăng chỉ huy, một trong 2 chiếc đó mang lưỡi đào mở đường. Các đội hình đó sau đó được bố trí lại và đến 1969, các xe tăng Patton bắt đầu được thay bởi xe tăng hạng nhẹ M551 Sheridan. Các tiểu đoàn tăng bao gồm 54 xe tăng với 3 đại đội tăng 17 chiếc (bố trí giống đại đội tăng của tiểu đoàn kị binh bọc thép) và 3 xe tăng chỉ huy. Các tiểu đoàn này thường xuyên được chia nhỏ thành các đại đội hoạt động chung với nhiều đơn vị bộ binh khác nhau hay để thực hiện các nhiệm vụ an ninh.

Chiến thuật dụng tăng ở Việt Nam thể hiện môi trường của cuộc chiến. Patton thường được dùng để cung cấp hoả lực nặng để hỗ trợ trực tiếp các hoạt động của bộ binh hay dùng để đẩy lui mai phục trên các nhiệm vụ hộ tống. Các đại đội tăng đôi khi được bố trí vào nhiệm vụ bảo vệ sân bay nơi mà các viên đạn canister của chúng chứng tỏ hiệu quả tốt. Kẻ thù chính của xe tăng Mĩ ở Việt Nam không phải là thiết giáp địch mà là mìn, gây ra hơn 75% thiệt hại của xe tăng. Các mối nguy chính khác là vũ khí chống tăng của bộ binh như B-40, B-41, ĐKZ

Mặc dù không được thiết kế cho kiểu chiến trường này, M48A3 vẫn cho thấy có thể đáp ứng các mong đợi vào nó. Nó là loại xe tăng bền bỉ và có thể sống sót trừ những quả mìn cực lớn. Nếu các bộ phận dự phòng có đủ thì chiếc xe tăng thường có thể chạy lại được vào ngày hôm sau. Quân Giải phóng miền Nam đôi khi sử dụng bom của máy bay để làm mìn. Ví dụ như năm 1966 tại gần Củ Chi, một chiếc M48A3 của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 69 trúng một quả mìn 500 lb (~225 kg) làm phá tung phần cuối đuôi xe và toàn bộ động cơ, dù vậy tổ lái vẫn sống sót một cách thần kỳ. Tuy nhiên, xe tăng M48, như bất kì loại xe tăng cùng thời nào cũng đều cho thấy dễ tổn hại trước RPG-7. Đôi khi, một xe tăng có thể trúng vài phát đạn mà vẫn chiến đầu được, nhưng ngược lại, đôi khi 1 phát đạn xuyên phá qua giáp và kích nổ đạn trong xe khiến cho xe bị tiêu diệt hoàn toàn.

Một phiên bản đặc biệt của Patton cho Thuỷ quân lục chiến Mĩ là M67A2, là một xe tăng M48A3 mang súng phun lửa M7-6 và có bình nhiên liệu khoảng hơn 1400 l (378 gallon). Súng phun lửa phóng lửa qua nòng pháo giả và có tầm phóng hoả từ 180-200m với thời lượng 60s trước khi nạp nhiên liệu lại.

Trong toàn cuộc chiến chỉ có một trường hợp duy nhất xe tăng giữa Mĩ và Quân đội Nhân dân Việt Nam giao chiến. Vào đêm ngày 3/3/1969, Đại đội số 16, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn thiết giáp 202 của Quân đội Nhân dân Việt Nam tấn công vào căn cứ Mĩ ở Bến Hét với bộ binh, vài xe tăng PT-76 và xe thiết giáp chở quân BTR-50 với mục đích tiêu diệt các cỗ pháo tự hành M107 175mm đóng tại đó. Căn cứ được bảo vệ bởi vài chiếc M42 Dusters và 1 trung đội M48A3. Kết quả trận đánh là 1 chiếc PT-76 và 1 chiếc BTR-50 bị phá hủy (1 chiếc PT-76 khác bị hỏng vì trúng mìn), phía Mỹ có 1 chiếc M48 của Mỹ bị bắn hỏng khiến 2 lính tăng chết và 2 bị thương.

Đến năm 1971, các xe tăng M48A3 được Mĩ để lại cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Tháng 7/1971, Thiết đoàn tăng số 20 là trang bị chủ yếu với M48A3 được thành lập.

Tháng 3/1972, Quân đội Nhân dân Việt Nam tấn công vào Quảng Trị với 2 trung đoàn xe tăng. Quân đội Sài Gòn điều Thiết đoàn xe tăng số 20 (gồm 57 xe tăng M48A3) và Lữ đoàn thiết giáp số 1 (gồm 57 xe M48) tới khu vực để chặn đường tấn công của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Quảng Trị. Ngày 9/4/1972, với chiến thuật "Trâu Rừng" (nằm im phục kích), M48 đã bắn hạ được một số chiếc T-54. Song đến 27/4/1972, đến lượt hàng chục M48 bị T-54 của Quân đội Nhân dân Việt Nam bắn hạ, trong đó riêng Đại đội trưởng Nguyễn Văn Thái đã diệt được 5 chiếc ở Tây Đông Hà. Trong 1 tháng, cả hai đơn vị thiết giáp của quân đội Sài Gòn bị tiêu diệt gần như hoàn toàn (Trung đoàn xe tăng số 20 mất toàn bộ 57 xe M48, trong khi Lữ đoàn thiết giáp số 1 mất 43 xe M48).

Sau khi thoả thuận ngừng bắn năm 1973 diễn ra, Thiết đoàn 20 được Hoa Kỳ tổ chức lại cùng với 2 thiết đoàn số 21 và 22 với xe tăng M48A3. Cũng có một số đại đội Patton được thành lập để dùng trong các đơn vị kị binh bọc giáp. Cho đến đầu năm 1975, quân đội Sài Gòn có 3 Thiết đoàn chiến xa trang bị M48 với tổng số 162 xe, tất cả đều là M48A3 - phiên bản hiện đại nhất khi đó.

Mặc dù lính tăng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa tỏ ra được huấn luyện kỹ hơn so với lính tăng Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhưng tinh thần chiến đấu thì khá thấp. Trong cuộc tổng tấn công năm 1975, cùng với sự sụp đổ nhanh chóng của toàn thể quân đội Việt Nam Cộng hòa, lực lượng xe tăng M48 không thể hiện được gì nhiều và bị nhấn chìm hoàn toàn. Hầu hết các đơn vị xe tăng của Quân lực VNCH đều bị tiêu diệt hoặc bị bắt sống ở các tỉnh miền bắc Trung bộ và chỉ có một số ít trong số các xe tăng M41 và M48 sống sót được qua cuộc chiến, chúng đều bị Quân đội Nhân dân Việt Nam thu làm chiến lợi phẩm.

Số lượng M48A3 của Mỹ viện trợ cho Quân lực VNCH:

1971: 54.[2]

Tháng 5/1972: 120.[3]

Tháng 10/1972: 72.[4]

Tháng 11/1972: 59.[5]

1973-1974: 74.[6]

Tổng cộng: 379 xe M48, tất cả số xe tăng này đã bị phá hủy hoặc bị tịch thu.

Quân đội Mỹ mất ít nhất 123 xe tăng M48 trong chiến tranh (chỉ tính những xe bị phá hủy hoàn toàn, không thể sửa lại được).[7] Tổng cộng Quân đội Mỹ và VNCH mất hơn 500 xe tăng M48 trong cuộc chiến.

Các nước khác

Trong Chiến tranh Yom Kippur, M48 của Israel đã chịu tổn thất lớn bởi tên lửa chống tăng. Tên lửa 9M14 Malyutka (AT-3 Sagger) đã được quân đội Ai Cập và Syria sử dụng thành công trong cuộc chiến tranh năm 1973 này. Các nguồn của Liên Xô cho biết tên lửa 9M14 đã tiêu diệt 800 xe tăng của Israel trong chiến tranh (chủ yếu là loại M48), dù một số nguồn nói rằng con số này lên tới 1.063 xe - nhưng con số 1.063 xe có thể bao gồm những xe tăng ngừng hoạt động trong vòng khoảng 24 giờ.

Năm 1974, khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đảo Síp đang do Hy Lạp nắm giữ, Hy Lạp đã điều động 32 chiếc T-34-85 đối đầu với 200 chiếc xe tăng M48 Patton của Thổ Nhĩ Kỳ. Kết thúc cuộc chiến Hy Lạp chỉ bị mất 12 chiếc xe tăng trong đó có 4 chiếc là bị bỏ lại, còn Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy 19 chiếc. T-34 đã gây ngạc nhiên lớn, bởi khi đó nó đã được xem là rất lạc hậu nhưng vẫn đánh thắng xe tăng chiến đấu hiện đại của Mỹ.

Năm 1982, M48 là xe tăng chủ lực của Israel cuộc xâm chiếm quân sự của Israel vào Syria. Quân đội Syria đã bố trí khoảng 250 xe tăng T-72. Dù chỉ là phiên bản xuất khẩu đã bị cắt giảm tính năng, các xe tăng T-72 của Syria vẫn chứng minh sự vượt trội của mình trước M48 Patton và M60 của Mỹ. Pháo 105mm trên xe M48 cải tiến và M60, loại pháo tăng mạnh nhất của phương Tây thời điểm đó, đã không thể xuyên được giáp trước của T-72M từ cự ly ngoài 1500 mét. Trong cùng thời điểm đó, đạn pháo 125mm trên T-72 đủ khả năng bắn thủng đầu xe tăng địch ở tầm xa 2000 mét.

Năm 1988, M48 tiếp tục tham gia trong Chiến tranh Iran-Iraq. Tuy nhiên, M60 và M48 Patton của Iran không thể là nguy cơ đe dọa lớn đối với T-72M – giáp đầu xe chịu được sức công phá của pháo tăng 105mm trên hai loại xe này. Trong điều kiện vượt trội gần như hoàn toàn về xe tăng, quân đội Iraq đã chiến thắng sau 32 giờ tại khu vực bán đảo Fao. Khoảng 200 xe tăng M48 và M60 của Iran đã bị hạ, đổi lại Iraq chỉ tổn thất khoảng 50 xe T-54T-62.